Chiến tranh Tây Nam Chiến_tranh_Tây_Nam_(Nhật_Bản)

Vây hãm thành Kumamoto

Ukiyoe của Yoshitoshi

Quân tiên phong Satsuma tiến vào tỉnh Kumamoto vào ngày 14 tháng 2. Chỉ huy trưởng thành Kumamoto, Thiếu tướng Tani Tateki có 3.800 lính và 600 cảnh sát và có toàn quyền sử dụng. Tuy vậy, phần lớn binh lính là từ Kyūshū, và nhiều sĩ quan là người địa phương Kagoshima, lòng trung thành của họ vẫn còn là một câu hỏi ngỏ. Thay vì liều lĩnh bỏ chạy hay đầu hàng chuyển sang phe Satsuma, Tani quyết định phòng thủ.

Ngày 19 tháng 2, tiếng súng đầu tiên của cuộc chiến nổ vang khi những người phòng thủ thành Kumamoto khai hỏa vào các đơn vị Satsuma cố tiến vào trong thành. Thành Kumamoto, xây dựng năm 1598, là một trong các ngôi thành vững chắc nhất Nhật Bản, Saigō tự tin rằng quân đội của ông vượt trội so với những người nông dân nhập ngũ theo luật định của Tani, người vẫn bị mất tinh thần vì cuộc nổi dậy Shimpuren gần đây.

Ngày 22 tháng 2, trung quân Satsuma đến nơi và tấn công thành Kumamoto theo trận địa gọng kìm. Giao chiến tiếp diễn cho đến đêm. Lục quân Đế quốc bị đẩy lùi, và Quyền Thiếu tá Nogi Maresuke của Trung đoàn Kokura thứ 14 mất cả phù hiệu trung đoàn của mình trong một cuộc giao tranh ác liệt. Tuy vậy, bất chấp thắng lợi của mình, quân đội Satsuma không thể chiếm lấy ngôi thành, và bắt đầu nhận ra rằng quân đội nghĩa vụ không phải vô dụng như họ nghĩ. Sau hai ngày tấn công vô hiệu, quân đội Satsuma đào xuống chân tường đá cứng đóng băng của ngôi thành và cố làm chết đói quân lính trong thành bằng cách tiến hành một cuộc bao vây. Tình thế đặc biệt khó khăn cho những người phòng thủ vì kho lượng thực và đạn dược của họ đã bị kiệt quệ vì vụ cháy nhà kho ít lâu trước khi cuộc nổi dậy bắt đầu.

Trong cuộc bao vây, nhiều cựu samurai thành Kumamoto kéo đến dưới trướng của Saigō, làm quân đội của ông lên đến khoảng 20.000 người. Cùng lúc đó, vào ngày 9 tháng 3 Saigō, Kirino và Shinohara bị lột bỏ các tước hiệu và danh vị trong triều, bất chấp việc Saigō liên tục cho rằng ông không phải kẻ phản bội, mà chỉ muốn giải thoát Thiên hoàng Minh Trị khỏi những ảnh hưởng tai hại của các cố vấn tham nhũng ngu dốt.

Đêm ngày 8 tháng 4, một đội quân từ thành Kumamoto xông ra phá vây, chọc thủng một lỗ trên phòng tuyến Satsuma và cho phép hàng cứu viện tối cần thiết đến được với quân lính trong thành. Quân chủ lực Lục quân Đế quốc, dưới sự chỉ huy của Tướng Kuroda Kiyotaka và trợ giúp của Tướng Yamakawa Hiroshi đến Kumamoto vào ngày 12 tháng 4, buộc đội quân với số lượng vượt trội của vùng Satsuma phải tháo chạy.

Trận Tabaruzaka

Trận Tabaruzaka.

Ngày 4 tháng 3, Tướng Lục quân Đế quốc Nhật Bản là Yamagata Aritomo ra lệnh tấn công trực diện từ Tabaruzaka, bảo vệ cho việc tiếp cận Kumamoto, sau này phát triển thành một trận đánh kéo dài 8 ngày. Tabaruzaka do 15.000 samurai từ Satsuma, Kumamoto và Hitoyoshi trấn thủ chống lại Lữ đoàn bộ binh Lục quân Đế quốc thứ 9 (khoảng 90.000 người). Tới cao trào của trận đánh, Saigō viết một bức thư riêng cho Thân vương Arisugawa Taruhito, tái khẳng định lý do của ông để đến thủ đô Tōkyō. Bức thư của ông chỉ ra rằng ông không có ý định dấy loạn và tìm kiếm một sự ổn định hòa bình. Tuy vậy, triều đình không chấp thuận đàm phán.

Với mục đích cắt đứt sự liên lạc của Saigō với căn cứ của mình, một đội quân triều đình với 3 tàu chiến, 300 cảnh sát và vài đại đội bộ binh, cập bờ Kagoshima vào ngày 8 tháng 3, chiếm kho súng và bắt giam Thống đốc Satsuma.

Yamagata cũng cho lên bờ một chi đội với hai lữ đoàn bộ binh và 1.200 cảnh sát ở đằng sau lưng quân phiến loạn, để giáng xuống đầu họ từ bên sườn tại Vịnh Yatsushiro. Quân độ Hoàng gia chiếm được bờ biển với ít tổn thất sau đó tiến lên phía Bắc chiếm thành phố Miyanohara này 19 tháng 3. Sau khi nhận được tiếp viện, quân đội triều đình, nay tổng số là 4.000 người, tấn công vào sườn quân đội Satsuma và đẩy lùi họ.

Tabaruzaka là một trong những chiến dịch căng thẳng nhất của cuộc chiến. Lục quân Đế quốc giành được thắng lợi, nhưng cả hai phía đều thiệt hại nặng nề. Mỗi bên có hơn 4.000 người chết và bị thương.

Rút khỏi Kumamoto

Bạo loạn dưới thời Minh Trị

Sau khi thất bại trong việc chiếm Kumamoto, Saigō dẫn quân lính đi trong vòng 7 ngày đến Hitoyoshi. Sĩ khí xuống rất thấp, và thiếu chiến thuật, quân đội Satsuma chỉ còn biết đợi bị chôn vùi trong các đợt tấn công tiếp theo của Lục quân Đế quốc. Tuy vậy, Lục quân Đế quốc cũng lâm vào tình trạng kiệt sức tương tự, và giao tranh chấm dứt trong vài tuần để chờ viện binh. Khi các cuộc tấn công được khởi động lại, Saigo rút lui đến Miyazaki, để lại đằng sau rất nhiều nhóm samurai nhỏ trên các ngọn đồi để tiến hành chiến tranh du kích. Ngày 24 tháng 7, Lục quân Đế quốc buộc Saigō phải chạy khỏi Miyakonojō, tiếp theo đó là Nobeoka. Quân lính cập bờ tại ŌitaSaiki phía Bắc quân đội Saigō, và ông bị lâm vào thế gọng kìm. Tuy vậy, quân đội Satsuma vẫn mở được con đường thoát khỏi cuộc bao vây. Cho đến 17 tháng 8, quân đội Satsuma chỉ còn 3.000 samurai, và đã mất phần lớn các hỏa khí hiện đại và toàn bộ pháo.

Quân nổi loạn còn sống sót đóng trên sườn núi Enodake, và nhanh chóng bị bao vây. Quyết tâm không để quân phiến loạn chạy thoát một lần nữa, Yamagata cử một đội quân lớn gấp 7 lần quân đội Satsuma. Phần lớn số quân còn lại của Saigō đều đầu hàng hoặc mổ bụng tự sát. Tuy vậy, Saigō đốt bỏ các giấy tờ cá nhân và quân phục ngày 19 tháng 8, và chạy thoát được về Kagoshima cùng các cận vệ còn lại của mình. Bất chấp cố gắng của Yamagata trong vài ngày sau đó, Saigō và 500 người còn lại vẫn đến được Kagoshima ngày 1 tháng 9 và chiếm Shiroyama, có thể nhìn xuống thành phố từ trên cao.

Trận Shiroyama

Bài chi tiết: Trận Shiroyama
Trận ShiroyamaLục quân Đế quốc Nhật Bản củng cố vòng vây Shiroyama, ảnh năm 1877.

Saigō Takamori và các samurai còn lại của ông bị đẩy lùi về Kagoshima, nơi diễn ra trận chiến cuối cùng, trận Shiroyama. Lục quân Đế quốc dưới sự chỉ huy của tướng Yamagata Aritomo và hải quân dưới sự chỉ huy của Đô đốc Kawamura Sumiyoshi gấp 60 lần quân đội của Saigō. Tuy vậy, Yamagata quyết tâm không cho Satsuma một cơ hội nào. Lục quân Hoàng gia dành vài ngày để xây dựng một hệ thống phức tạp các hào, tường và vật cản để chống lại mọi cuộc phá vây. 5 tàu chiến của triều đình ở vịnh Kagoshima cùng cất tiếng với hỏa lực từ các khẩu pháo của Yamagata, và bắt đầu nã đạn vào các vị trí của quân phiến loạn.

Sau khi Saigō từ chối bức thư của Yamagata yêu cầu ông đầu hàng, Yamagata ra lệnh tổng tấn công vào ngày 24 tháng 9 năm 1877. Cho đến 6 giờ sáng, chỉ còn 40 quân phiến loạn còn sống sót. Saigō bị thương nặng. Truyền thuyết nói rằng một trong các thuộc hạ của ông, Beppu Shinsuke làm nhiệm vụ kaishakunin và giúp Saigō mổ bụng tự sát (seppuku) trước khi ông bị bắt. Tuy vậy, những bằng chứng khác lại mâu thuẫn với điều này, khẳng định rằng Saigō thực tế đã chết vì trúng đạn và Beppu đã chặt đầu ông để bào toàn lòng tự trọng của ông.

Sau cái chết của Saigo, Beppu và các samurai cuối cùng rút kiếm và lao xuống đồi hướng tới các vị trí của Lục quân Đế quốc cho đến khi người cuối cùng ngã xuống vì đạn súng máy. Với những cái chết này, cuộc chiến tranh Tây Nam chấm dứt.